Giá cà phê lên cao nhất 47 năm
Các bên mua thương mại đang mua tích trữ trong hoảng loạn, do lo ngại thiếu hụt nguồn cung cà phê và tác động từ luật mới của EU.
Giá cà phê lên mức cao nhất trong gần 50 năm trong tuần này, khi mối lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu làm tăng thêm sự bất ổn của thị trường trước khi luật mới của EU đối với nạn phá rừng sắp có hiệu lực.
Giá cà phê arabica tương lai tăng 4.7% lên 3.23 USD/pound tại New York, mức cao nhất kể từ năm 1977. Giá loại cà phê này đã tăng hơn 70% trong năm nay.
Giá cà phê robusta tương lai tại London cũng tăng 7.7% lên 5,507 USD/tấn, gần gấp đôi mức giá ghi nhận được vào đầu năm nay.
Theo các nhà giao dịch, nguyên nhân xuất phát từ việc các nhà rang xay cà phê đang mua tích trữ để đảm bảo nguồn cung trước nguy cơ thiếu hụt. Bên cạnh đó, luật mới của EU nhằm cấm sử dụng đất rừng bị khai phá để trồng trọt cũng gây bất ổn cho nguồn cung cà phê.
“Tôi chưa bao giờ thấy tình trạng này diễn ra trước đây. Tình trạng này sẽ không thể được giải quyết trong năm nay, và đó là lý do tại sao các nhà rang xay bắt đầu chuyển sang chế độ hoảng loạn”, Tomas Araujo, nhân viên giao dịch tại công ty môi giới StoneX, cho biết.
Thời tiết nóng và khô ở Brazil đã làm dấy lên lo ngại rằng sản lượng của quốc gia này sẽ giảm vào mùa tới, từ đó kéo giảm nguồn cung toàn cầu vốn đã hạn chế. Brazil đã phải hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 70 năm vào tháng 8-9 năm nay, ngay sau đó lại chịu mưa lớn vào tháng 10, dấy lên lo ngại hoa bị héo.
Nguồn cung cà phê robusta đã thiếu hụt trong suốt 3 năm qua, do thời tiết xấu ở Việt Nam, quốc gia sản xuất robusta lớn nhất. Trong khi đó, vụ thu hoạch arabica năm 2025-2026 của Brazil có vẻ sẽ không đạt được mục tiêu, ông Araujo nói thêm.
Việc tìm kiếm nguyên liệu thô đã trở nên cấp bách hơn do các nhà nhập khẩu châu Âu phải mua hạt cà phê sớm hơn bình thường trong năm nay. Họ đang phải vật lộn với luật mới của EU, yêu cầu họ phải chứng minh rằng cà phê mà họ nhập khẩu vào khối này không được trồng trên đất bị phá rừng.
Trong khi các nhà rang xay châu Âu đang gấp rút xây dựng kho dự trữ cho năm tới, các nhà rang xay ở Mỹ cũng tham gia thị trường để đảm bảo họ không bị ép mua giá cao, ông Araujo cho biết. Họ cũng lo ngại trước lời hứa của tân Tổng thống đắc cử Donald Trump về việc áp thuế nhập khẩu đối với một loạt hàng hóa sau khi ông nhậm chức vào tháng 1, theo ông Carlos Mera, giám đốc hàng hóa nông nghiệp tại Rabobank.
“Nếu bạn là một nhà rang xay và bạn tin rằng cà phê sẽ bị áp thuế, thì bạn sẽ cố gắng nhập khẩu ngay bây giờ”, ông Mera cho biết.