Mai Sơn vào vụ thu hoạch thanh long

Cây thanh long được trồng trên đất Mai Sơn (Sơn La) nhiều năm nay, mang lại hiệu quả và đã tạo thành vùng sản xuất hàng hóa. Những ngày này, đang là thời điểm chính vụ thu hoạch, nông dân phấn khởi vì năm nay thanh long tiếp tục được mùa, được giá.

Mai Sơn vào vụ thu hoạch thanh long - Ảnh 1.

Vườn thanh long của HTX Dịch vụ nông nghiệp Ngọc Hoàng, xã Nà Bó, huyện Mai Sơn được sản xuất theo tiêu chuẩn GLOBAL GAP

Nông dân yên tâm về đầu ra

Nà Bó là xã có diện tích liên kết sản xuất và tiêu thụ thanh long nhiều nhất huyện Mai Sơn, với gần 200ha. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, nên năng suất đạt từ 20-30 tấn/ha/năm.

Gia đình anh Nguyễn Thanh Liêm, tiểu khu 7, xã Nà Bó có 2ha thanh long. Năm nay, điều kiện thời tiết thuận lợi nên thanh long ra hoa, cho quả đẹp, giá bán tại vườn được thương lái thu mua dao động từ 14.000 – 20.000 đồng/kg.

Anh Liêm cho biết: “Gia đình tập trung chăm sóc thanh long theo hướng hữu cơ. Hơn 2.000 trụ thanh long ruột đỏ được bón bằng phân chuồng và sử dụng thuốc trừ sâu sinh học. Từ đầu vụ đến nay, gia đình đã bán gần một tấn thanh long xuất khẩu và hơn 2 tấn cho thương lái tại các chợ đầu mối trong nước, lợi nhuận trên 50 triệu đồng. Dự kiến, lứa này, gia đình sẽ thu khoảng 15 tấn quả”.

Mai Sơn vào vụ thu hoạch thanh long - Ảnh 2.

Nông dân xã Nà Bó, huyện Mai Sơn trồng, chăm sóc thanh long theo hướng hữu cơ.

Còn gia đình chị Bùi Thị Hòa, bản Cao Sơn, xã Chiềng Sung đang tất bật thu hoạch thanh long. Với 5.000 trụ thanh long được trồng từ năm 2019, gia đình chị đã đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, có màng phủ dưới các gốc để tránh cỏ dại. Chị Hòa cho biết: Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, năng suất thanh long luôn ổn định. Ngay từ đầu vụ, các khách hàng truyền thống của gia đình đã gọi điện đặt hàng, chúng tôi rất yên tâm về đầu ra của sản phẩm.

Mai Sơn vào vụ thu hoạch thanh long - Ảnh 3.

Nông dân xã Nà Bó, huyện Mai Sơn sử dụng bạt phủ nông nghiệp tránh cỏ dại và giữ ẩm cho cây thanh long.

Xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc và EU

Thanh long là loại cây dễ trồng, không kén đất, chịu được thời tiết khắc nghiệt, không đòi hỏi nhiều công sức chăm bón; chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không nhiều. Nếu thường xuyên tỉa cành, bón phân hợp lý, tuổi thọ của cây có thể kéo dài từ 15-20 năm. Từ năm thứ 2 sau khi cho quả bói, năng suất quả tăng dần và có thể cao gấp đôi năm trước.

Thanh long chính vụ thu hoạch kéo dài 6 tháng, từ cuối tháng 5 đến hết tháng 11. Những năm gần đây, nhiều nông dân huyện Mai Sơn còn áp dụng kỹ thuật cho quả trái vụ, tránh áp lực tiêu thụ sản phẩm chính vụ, tăng giá trị sản phẩm.

Mai Sơn vào vụ thu hoạch thanh long - Ảnh 4.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Ngọc Hoàng hướng dẫn các hộ trồng thanh long cách thu hái thanh long phục vụ xuất khẩu.

Là đơn vị liên kết thực hiện cung ứng giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho người dân, HTX Dịch vụ nông nghiệp Ngọc Hoàng đã liên kết với gần 200 hộ dân tại các xã Chiềng Sung, Nà Bó, Chiềng Mung của huyện Mai Sơn đưa cây thanh long vào trồng, cam kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Ông Nguyễn Quang Vinh, giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Ngọc Hoàng, chia sẻ: “HTX tổ chức tập huấn hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc thanh long theo hướng hữu cơ cho các hộ liên kết sản xuất; đầu tư hệ thống nước tưới tự động, có nhật ký sản xuất cụ thể, dễ dàng truy xuất nguồn gốc.

Hiện nay, HTX liên kết trồng gần 300ha thanh long, trong đó, có 70ha đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu; được cấp 2 mã vùng trồng thanh long xuất khẩu. Từ đầu vụ đến nay, HTX đã xuất khẩu 200 tấn thanh long sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước EU”.

Mai Sơn vào vụ thu hoạch thanh long - Ảnh 5.

Thanh long được thương lái thu mua, đóng gói chuyển đi tiêu thụ tại các chợ đầu mối trong nước

Phù hợp với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Thanh long ruột đỏ Mai Sơn nổi tiếng với chất lượng vượt trội, thu hút thương lái từ nhiều nơi đến thu mua. Chị Nguyễn Thị Hằng, thương lái ở huyện Mộc Châu, cho biết: “Chúng tôi mua thanh long Mai Sơn để bán tại các chợ đầu mối tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Khách hàng của tôi ưa chuộng thanh long Mai Sơn ngon, ngọt, mẫu mã đẹp, có nguồn gốc rõ ràng và được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP”.

Ông Nguyễn Khắc Hào, trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn, đánh giá: “Việc nông dân liên kết với HTX Dịch vụ Nông nghiệp Ngọc Hoàng trồng thanh long theo hướng hữu cơ là mô hình cần nhân rộng, tạo “lối mở” để bà con chuyển sang trồng và sản xuất thanh long sạch, gia tăng giá trị, tăng thu nhập cho người nông dân, phù hợp định hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa bền vững của huyện”.

Những mùa thanh long trái ngọt đang góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người nông dân, khẳng định ưu thế là giống cây phù hợp với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương.


Nguồn tuổi trẻ