Quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng (IPM) là biện pháp phòng trừ sâu bệnh mới được người dân áp dụng, giúp giảm chi phí sản xuất, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo sức khỏe người lao động, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng lợi nhuận.
Mô hình trồng chanh leo của HTX Nông nghiệp Bảo Sam, xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn, Sơn La.
Phương châm phòng hơn chống
Với mục tiêu chuyển giao khoa học kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng, giảm thiểu mối nguy hại do lạm dụng hóa chất, nhất là thuốc bảo vệ thực vật đối với sức khỏe con người, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Kế hoạch số 03/KH-UBND ngày 5-1-2021 về việc triển khai thực hiện Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các đơn vị trong ngành, phối hợp với UBND các huyện, thành phố tuyên truyền, tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực; triển khai thí điểm một số mô hình ứng dụng IPM trên cây chè, lúa, cây ăn quả, rau…
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật vừa triển khai mô hình ứng dụng IPM canh tác 1,5ha rau bắp cải tại HTX An Tâm, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu và gia đình ông Tráng A Tòng, bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ.
Các thành viên HTX, hộ gia đình được chi cục hỗ trợ trên 1,1 tấn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật các loại; tổ chức 2 lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp IPM cho 60 nông dân 2 huyện Mộc Châu, Vân Hồ, tập trung vào chọn giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc, bón phân, sử dụng thiên địch để ngăn chặn, làm giảm thiệt hại do sâu bệnh gây ra; vệ sinh đồng ruộng, phòng trừ sâu bệnh hại theo phương châm phòng hơn chống.
Ngoài ra, chi cục tổ chức cho HTX, hộ nông dân tham quan thực địa tại các hộ thực hiện mô hình để đánh giá hiệu quả, chia sẻ kinh nghiệm.
Xây dựng nền nông nghiệp cân bằng sinh thái bền vững
Sau khi được hỗ trợ phân bón và hướng dẫn kỹ thuật, các thành viên HTX An Tâm đã tuân thủ các quy trình kỹ thuật chăm sóc cây rau, phân chia tỉ lệ cây trồng hợp lý trên đơn vị diện tích, chăm sóc, bón phân cân đối và đúng liều lượng. Đặc biệt, thường xuyên thăm đồng để phát hiện và phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Những lứa cây bắp cải đầu tiên triển khai mô hình ứng dụng IPM phát triển tốt, ít sâu bệnh.
Năm 2023, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã triển khai “Mô hình ứng dụng IPM vào canh tác trên cây chanh leo”.
Sau hơn 1 năm triển khai mô hình IPM trên cây chanh leo tại xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn, quy mô 5ha, cho thấy lượng phân hóa học sử dụng giảm từ 15-20% so với canh tác truyền thống; mật độ, tỉ lệ sâu bệnh hại thấp hơn 20-30%; tỉ lệ quả loại 1 đủ tiêu chuẩn xuất đi châu Âu đạt 20-30%, bán với giá 30.000-40.000 đồng/kg; loại tiêu chuẩn đi chợ chiếm từ 30-40%, có giá 18.000-21.000 đồng/kg, cao hơn 15-20% so với canh tác truyền thống; năng suất đạt 18-20 tấn quả/ha.
Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh triển khai 11 mô hình ứng dụng IPM trên cây ăn quả, cây có múi và rau bắp cải tại tất cả các huyện, thành phố. Ngành Nông nghiệp đã tổ chức các lớp tập huấn cho gần 200 lượt người nông dân.
Việc ứng dụng biện pháp IPM trong sản xuất góp phần giảm đáng kể lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng cho cây trồng. Theo thống kê, lượng thuốc bảo vệ thực vật được nông dân sử dụng khoảng 757 tấn năm 2017, giảm xuống còn khoảng 300 tấn năm 2023.
Điểm chung lớn nhất là các mô hình này là đều góp phần thay đổi tư duy sản xuất của nông dân, hướng đến việc phát triển nông nghiệp năng suất cao, trên cơ sở hạn chế dư lượng thuốc BVTV, xây dựng nền nông nghiệp cân bằng sinh thái bền vững.
Theo Kế hoạch số 03/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp, đến năm 2025 tỉnh sẽ mở rộng diện tích ứng dụng IPM trên các loại cây trồng.
Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục phối hợp xây dựng các mô hình, hướng dẫn nông dân hiểu và ứng dụng chương trình IPM trên đồng ruộng, qua đó, lan tỏa việc ứng dụng IPM trên diện rộng.
Trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường, việc đẩy mạnh áp dụng IPM được xem là chìa khóa thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tạo nhiều nông sản chất lượng, sạch, an toàn.
Nguồn tuổi trẻ