Ngành dừa được kỳ vọng vượt mốc 1 tỷ USD trong năm 2024
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xác định dừa là 1 trong 6 đối tượng nằm trong đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030. Theo mục tiêu Bộ đề ra đến năm 2030, diện tích dừa khoảng 195,000 – 210,000ha, trong đó vùng trồng dừa trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khoảng 170,000 – 175,000ha.
Hiệp hội dừa Việt Nam kỳ vọng vượt mốc 1 tỷ USD trong năm 2024 – Ảnh: VGP/ Đỗ Hương
|
Để ngành dừa phát triển cần chia sẻ hài hòa lợi ích nông dân và doanh nghiệp
Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 đã được Bộ NN&PTNT ban hành theo Quyết định 431 năm 2024, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2030 trên 30% diện tích dừa được sản xuất theo quy trình GAP, hoặc tương đương. Diện tích dừa được cấp mã số vùng trồng khoảng 30%.
Ngày 13/12, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (thuộc Bộ NN&PTNT) đã phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam cùng các đơn vị liên quan tổ chức diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dừa”.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh – Chủ tịch Hiệp hội dừa Việt Nam cho biết, từ con số khiêm tốn 180 triệu USD kim ngạch xuất khẩu năm 2010, ngành dừa phát triển mạnh mẽ, đạt hơn 900 triệu USD vào năm 2023 và kỳ vọng vượt mốc 1 tỷ USD trong năm 2024.
Trong nhóm thị trường trọng điểm, Trung Quốc có nhu cầu lớn nhất. Vừa qua, Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư cho phép dừa tươi xuất khẩu chính ngạch, mở ra cơ hội to lớn cho dừa tươi Việt Nam.
Nêu thực trạng sản xuất dừa trong nước hiện nay, bà Thanh cho biết ở các vùng cơ sở hạ tầng tốt ở Bến Tre, giá dừa ở mức 70,000 – 100,000 đồng/chục quả. Nhưng ở các vùng cơ sở hạ tầng yếu kém, giá dừa ở mức thấp hơn nhiều. Như vậy, bà đề nghị các địa phương trồng dừa tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng để thúc đẩy ngành dừa ở vùng sâu xa, tạo điều kiện cho logistics.
Trong 10 năm trở lại đây, các doanh nghiệp tiếp cận thị trường thế giới đã hiểu được xu thế và đầu tư nhiều vào máy móc hiện đại. Tại Việt Nam, công nghệ chế biến dừa tương đương với quốc tế.
Với sự đầu tư của doanh nghiệp vào máy móc, cần hiểu sự hài hòa lợi ích doanh nghiệp người nông dân, như vậy, hệ thống pháp lý, hợp đồng chặt chẽ để khi có yếu tố vi phạm hợp đồng có thể xử lý minh bạch.
Ông Trần Anh Thuy – Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Bến Tre cho biết, các đơn vị trong hiệp hội hiện rất quan tâm đến những sản phẩm chế biến từ dừa.
“Lúc nào mua dừa, chúng tôi cũng nghĩ là dừa trồng ở Bến Tre nhưng không phải lúc nào cũng vậy”, ông Thuy bày tỏ, đồng thời đề nghị tỉnh Bến Tre có phương án để phát triển hơn nữa các sản phẩm, dựa trên thương hiệu sẵn có.
Hiện tỉnh Bến Tre đang tổ chức tiếp nhận Trung tâm Dừa Đồng Gò từ Bộ Công thương. Dựa trên nguồn lực này, ông Thuy đề nghị cơ quan quản lý quan tâm hơn đến các giống dừa, cũng như công nghệ chế biến sản phẩm dừa. Ngoài ra, dừa tại Long An và Trà Vinh đang ngày càng chứng tỏ được chất lượng. Do đó, vấn đề này cần được tỉnh Bến Tre nghiên cứu, sớm đưa ra giải pháp.
Ông Lê Thanh Hòa – Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường – Ảnh: VGP/Đỗ Hương
|
Cạnh tranh bằng chất lượng
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy – Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (thuộc Bộ NN&PTNT) cho biết, bên cạnh việc sản xuất và xuất khẩu dừa tươi, công nghiệp chế biến dừa hiện đã rất phát triển, hiện chiếm tới hơn 70% giá trị xuất khẩu. Ngoài ra, cây dừa còn là loại cây gần như không bỏ đi thứ gì, đây cũng là tiền đề quan trọng trong nhiệm vụ phát triển nông nghiệp tuần hoàn.
Để cây dừa tránh được những rủi ro về thị trường, giá bán cũng như cân đối cung – cầu, bà Thủy cho rằng cần có thêm những sản phẩm mới, tích hợp được các giá trị khác nhau từ cây dừa, từ đó mới tránh được tâm tư giá dừa xuống thấp như thời gian qua.
Căn cứ Quyết định 431 năm 2024 của Bộ NN&PTNT, diện tích dừa đến năm 2030 được giữ ổn định 200,000ha. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, diện tích dừa cả nước đã đạt con số này. Do đó, lãnh đạo Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, việc phát triển cây dừa phải đi sâu vào chất lượng, hoặc những phụ phẩm từ cây dừa có thể chế biến thành nhiều mặt hàng khác nhau.
Ông Lê Thanh Hòa – Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường chia sẻ: “Từ khi Bộ NN&PTNT đưa dừa vào danh mục các cây công nghiệp chủ lực đã giúp ngành hàng dừa có sự thay đổi rõ nét. Tuy nhiên, khi các Hiệp định thương mại được ký kết, thuế suất xuất khẩu dừa giảm xuống còn 0% vừa là điều kiện thuận lợi vừa là thách thức nếu chúng ta không có chiến lược cụ thể. Do đó, hiện nay Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã ban hành nhiều chính sách phát triển ngành dừa, các địa phương cần tận dụng các chính sách này để hỗ trợ hoạt động sản xuất của người dân”.
Về phía các doanh nghiệp Việt, trong nước đã có nguồn nguyên liệu chất lượng cao thì phải có chiến lược nâng giá bán sản phẩm ở các thị trường, để lấy phần gia tăng đó quay trở lại hỗ trợ giá mua cho người dân, thay vì tìm cách thu mua nguyên liệu giá rẻ và bán giá rẻ như hiện tại. “Lợi nhuận cho cây dừa đang nằm ở đâu?”, ông Hòa nêu vấn đề.
Ông Hòa nêu dẫn chứng về chế biến sâu các sản phẩm từ dừa: “Xơ dừa có thể làm giá thể, làm thảm, nhưng làm theo hướng nào cho giá trị kinh tế tốt hơn? Với định hướng của Bộ NN&PTNT, cây dừa đã trở thành một cây công nghiệp. Do đó, chiến lược và phát triển định hướng cây dừa cũng sẽ có những điểm khác so với cây nông nghiệp như lúa, ngô, khoai, sắn”.
Ông Hòa cũng nói thêm, trong Lễ hội trái cây Việt Nam tổ chức tại Bắc Kinh vừa qua, nhiều doanh nghiệp nước ngoài, có nguồn lực mạnh, sẵn sàng thâm nhập thị trường Việt Nam. Việc cạnh tranh sẽ càng trở nên gay gắt.
“Đã đến lúc chúng ta phải cạnh tranh bằng chất lượng, chứ không còn là hạ giá”, lãnh đạo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nhận định.