Thu về 12.500 tỷ, ‘cá tỷ đô’ của Việt Nam có thêm đối thủ nặng ký ở Trung Quốc
Thu về 12.500 tỷ đồng chỉ trong 11 tháng, Trung Quốc tiếp tục là khách hàng lớn nhất của cá tra Việt Nam. Tuy nhiên, con “cá tỷ đô” của nước ta có thêm đối thủ nặng ký trên bàn ăn ở quốc gia tỷ dân này.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu cá tra trong tháng 11 vừa qua đạt 179 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến hết tháng 11/2024, lũy kế giá trị xuất khẩu cá tra đạt 1,8 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023.
Thứ tự các thị trường đứng đầu về tiêu thụ con “cá tỷ đô” của Việt Nam gần như không thay đổi, trong đó Trung Quốc tiếp tục là khách hàng lớn nhất. Tổng giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt hơn 500 triệu USD trong 11 tháng qua (khoảng 12.500 tỷ đồng), tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.
Xếp sau Trung Quốc là Mỹ. Tính đến hết tháng 11 năm nay, xuất khẩu cá tra sang thị trường này tăng 26%, đạt hơn 317 triệu USD.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), cá tra Việt Nam đang trên đường về đích 2 tỷ USD trong năm 2024 cho thấy sức hút, sức cạnh tranh và tiềm năng của thị trường vẫn mạnh mẽ.
Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của cá tra Việt Nam. Ảnh: Hoàng Giám
|
Thời gian qua, sự e dè của người tiêu dùng Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế chậm lại đã buộc các nhà nhập khẩu thủy sản của nước này phải tập trung vào các sản phẩm rẻ hơn, đặt cá tra Việt Nam vào vị trí đắc địa để tận dụng lợi thế.
Tại thị trường tỷ dân này, do có giá bán lẻ rẻ hơn các loại cá nước ngọt được sản xuất trong nước như cá chép, cá rô phi,… cá tra đã trở thành mặt hàng thuỷ sản được nhiều người tiêu dùng chọn để nấu ăn tại nhà.
Trong khi đó, tại nhiều nhà hàng hay chuỗi cửa hàng ăn uống bình dân ở Bắc Kinh (Trung Quốc), cá tra trở thành món ăn chủ lực để phục vụ khách. Tại các siêu thị, sản phẩm phi lê cá tra đông lạnh cũng phổ biến không kém ở phân khúc thực phẩm sinh lợi dành cho trẻ em, bởi đây là loại cá trắng sạch và mềm được nhiều bậc cha mẹ tin dùng như một lựa chọn thực phẩm lành mạnh.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất và xuất khẩu cá tra vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là sự cạnh tranh mạnh với các loài cá thịt trắng khác.
Thực tế, dù được lòng người tiêu dùng, song con “cá tỷ đô” của Việt Nam lại có thêm một đối thủ cạnh tranh nặng ký khác trên bàn ăn của Trung Quốc, đó là cá lóc.
Theo VASEP, cá lóc và cá tra có những điểm tương đồng về kết cấu, hương vị và ứng dụng ẩm thực khiến cả hai loài cá này trở nên phổ biến trong ẩm thực Trung Quốc. Cả hai đều có thịt trắng, chắc, hương vị nhẹ, giàu protein và có những lợi thế cạnh tranh riêng, phục vụ từng nhu cầu tiêu thụ.
Tại Trung Quốc, cá lóc nuôi đang chiếm ưu thế hơn so với cá tra nhập khẩu, chủ yếu phục vụ tiêu thụ nội địa. Đáng chú ý, sản lượng nuôi cá lóc của Trung Quốc ước đạt 800.000 tấn trong năm 2024, trong đó 40% dành cho các cơ sở chế biến và phần còn lại phục vụ thị trường cá sống.
Vì thế, kịch bản Trung Quốc tự cung tự cấp cá lóc để thay thế dần cho cá tra nhập khẩu từ Việt Nam hoàn toàn có thể nghĩ tới. Điều này sẽ là một lo ngại khi thị trường tỷ dân đang là khách hàng lớn nhất của cá tra Việt Nam.
Hiện, sự phát triển của cá lóc nội địa Trung Quốc diễn ra song song với việc nước này giảm nhập khẩu cá tra Việt Nam. Cụ thể, năm 2020 Trung Quốc nhập đã từ Việt Nam hơn 200.000 tấn phi lê cá tra đông lạnh, thì đến năm 2023 số lượng này giảm còn 106.000 tấn.
Trong 8 tháng năm 2024, Trung Quốc chỉ nhập 51.000 tấn cá tra từ Việt Nam, mức thấp hơn cả trong giai đoạn dịch Covid-19.
VASEP cho rằng, bên cạnh việc sản lượng cá lóc nội địa tăng lên, có nhiều nguyên nhân khác khiến Trung Quốc giảm nhập cá tra từ Việt Nam như nguồn cung mặt cá tra cho Trung Quốc ngày đa dạng, hay kinh tế nước này tăng trưởng chậm lại.
Thế nên, để giữ được thị phần, các doanh nghiệp của nước ta buộc phải có những tính toán cho hướng đi mới bằng cách đa dạng sản phẩm hơn, gia tăng chất lượng, hạ giá thành và đảm bảo tuyệt đối các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tâm An