Qua 45 năm phục hồi, bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ, định hướng sắp tới là xúc tiến để bán tín chỉ carbon của rừng Cần Giờ. Đây là định hướng, nhiệm vụ lớn trong phát triển kinh tế nông nghiệp TP.HCM.
Ông Đinh Minh Hiệp, giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM, thông tin như trên tại buổi “Tổng kết ngành nông nghiệp nông thôn TP 2023 và phương hướng nhiệm vụ 2024” diễn ra ngày 12-1.
Theo ông Hiệp, UBND TP.HCM đã ban hành Chương trình phát triển nông nghiệp đô thị 2021 – 2025 và định hướng 2050, đây là bản lề cho tất cả đề án, kế hoạch mà ngành điều chỉnh để hướng đến phát triển nông nghiệp đô thị, trong đó có nội dung phát triển xanh, bán tín chỉ carbon rừng Cần Giờ.
“Bên cạnh khai thác, bảo tồn và phát triển rừng Cần Giờ, chúng tôi đã làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính để sớm xây dựng và hoàn thiện chính sách bán tín chỉ carbon rừng Cần Giờ, nhằm góp phần gia tăng mạnh nhất giá trị cho ngành”, ông Hiệp nói.
Phát biểu tại chương trình, ngoài câu chuyện bán tín chỉ carbon, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đề nghị ngành nông nghiệp thành phố cần tăng mạnh hoạt động phát triển, sản xuất xanh để đáp ứng nhu cầu thế giới, mở rộng không gian phát triển.
“Thành phố phải là nơi nghiên cứu, cung cấp, chuyển giao con giống và hình thành lên những cánh tay nối dài đến các vùng nguyên liệu.
Sản xuất nông nghiệp ở thành phố phải là nông nghiệp thử nghiệm; nông dân áo xanh, áo trắng; sản xuất để trình diễn, để lan tỏa chứ không phải để bán”, ông Hoan nhấn mạnh.
Theo Sở NN&PTNT, GRDP nông, lâm nghiệp và thủy sản của thành phố 2023 ước đạt 8.190 tỉ đồng, tăng 1,53% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất bình quân trên ha đất sản xuất nông nghiệp ước đạt 579 triệu đồng/ha, tăng 1,57% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất các nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực chiếm tỉ trọng khoảng 73% so với tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Tuy vậy, ngành nông nghiệp thành phố năm 2023 cũng gặp những khó khăn như tổng đàn gia súc trong chăn nuôi có xu hướng giảm mạnh; cơ chế chính sách để phát triển nông nghiệp nông thôn còn một số bất cập như tiếp cận hỗ trợ lãi vay, thí điểm xây dựng công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao vốn đầu tư lớn…
Đặt mục tiêu tăng trưởng
Sở NN&PTNT đặt mục tiêu trong năm 2024, tốc độ tăng GRDP từ 1 – 1,5%; giá trị sản xuất đạt 590 – 650 triệu đồng/ha. Tỉ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao, trên tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của thành phố đạt 45 – 48%.
Hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đạt 70 – 75%. Số sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn 3 sao trở lên đạt 28 sản phẩm trở lên.
Theo lộ trình của Chính phủ, từ năm 2021 – 2027 là giai đoạn chuẩn bị, xây dựng quy chế vận hành và thành lập sàn giao dịch tín chỉ carbon, thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ carbon. Từ năm 2028 trở đi, sàn giao dịch carbon tại Việt Nam sẽ chính thức đi vào hoạt động.
Nguồn tuổi trẻ