Bộ Nông nghiệp chỉ loạt điểm yếu ngành chăn nuôi, triệu hộ nông dân lao đao

Bộ Nông nghiệp chỉ loạt điểm yếu ngành chăn nuôi, triệu hộ nông dân lao đao

Có quy mô lớn so với các nước trong khu vực nhưng ngành chăn nuôi nước ta vẫn còn hàng loạt điểm yếu khiến hàng triệu hộ dân lao đao.

Bộ NN-PTNT vừa có báo cáo kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, các vấn đề đã hứa tại kỳ họp trước về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Lộ diện loạt điểm yếu

Về ngành chăn nuôi, Bộ NN-PTNT cho rằng còn phụ thuộc lớn vào nhập khẩu, đặc biệt là nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Con giống cũng mới chủ động được một phần, hàng năm vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn từ nước ngoài. 

Trong khi chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao, chưa đảm bảo an toàn sinh học, công tác kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm và môi trường còn nhiều khó khăn; sản xuất theo chuỗi liên kết từ trang trại đến bàn ăn còn nhiều hạn chế. 

Tốc độ phát triển của ngành chăn nuôi tương đối nhanh nhưng thiếu bền vững, biến động mạnh về tổng đàn, sản lượng, giá cả, ảnh hưởng tới lợi nhuận người chăn nuôi và lợi ích người tiêu dùng. Công tác dự báo thị trường cung – cầu, đánh giá, phân tích thị trường lĩnh vực chăn nuôi còn nhiều bất cập – Bộ NN-PTNT thừa nhận loạt điểm yếu của ngành hàng này.

Theo tính toán, nhu cầu thức ăn chăn nuôi (TACN) cho ngành chăn nuôi trong nước sẽ tiếp tục tăng cao. Hiện mỗi năm Việt Nam cần khoảng 30 triệu tấn TACN, đến năm 2025 và 2030 sẽ lần lượt là 35 và 45 triệu tấn. 

Từ năm 2016 trở lại đây, lượng TACN nhập khẩu luôn chiếm khoảng 70% nhu cầu (tương ứng 19-20 triệu tấn), sản xuất trong nước chiếm khoảng 30% (tương ứng 10-11 triệu tấn/năm).

Trung bình mỗi năm, nước ta nhập khẩu 9,5 triệu tấn ngô, 4 triệu tấn khô dầu đậu tương, gần 2 triệu tấn lúa mỳ và cám các loại, 1 triệu tấn DDGS (là loại bột bã từ ngô, lúa mì…), gần 1 triệu tấn thức ăn nguồn gốc động vật. 

Theo Bộ NN-PTNT, đây là các loại nguyên liệu mà Việt Nam không có thế mạnh để tự sản xuất trong nước vì không cạnh tranh được với Mỹ, Brazil, Argentina về diện tích, năng suất, đồng thời hiệu quả canh tác không cao bằng sản xuất lúa gạo. 

Tại Việt Nam, diện tích đất dành cho trồng ngô đạt gần 1 triệu ha, năng suất khoảng 4,5 tấn/ha/năm, tương đương sản lượng 4,5 triệu tấn/năm (dùng cho nhiều mục đích). Nếu so với năng suất, sản lượng ngô, đậu tương của các nước khác thì Việt Nam hoàn toàn không có lợi thế.

Thóc gạo, sắn của nước ta tuy có sản lượng lớn nhưng dư thừa không nhiều để làm TACN. Hơn nữa, xu hướng xuất khẩu cám gạo sang Trung Quốc đang mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn tiêu thụ trong nước.

Việc sử dụng thóc gạo thay ngô làm TACN cũng không phù hợp về khía cạnh kinh tế vì giá gạo luôn cao hơn giá ngô (ngoại trừ năm 2021, 2022 do giá ngô toàn cầu tăng cao). Ví như, tháng 4/2023, giá gạo trong nước trên 10.000 đồng/kg, giá ngô là 8.000 đồng/kg, bộ này giải thích thêm.

Vì thế, nước ta sẽ tiếp tục nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất TACN. Các giải pháp sản xuất nguyên liệu TACN trong nước chỉ có thể thay thế một phần lượng nhập khẩu, không thể thay thế được hoàn toàn. 

Chăn nuôi thua lỗ nghiêm trọng

Thực tế, vài năm gần đây, hàng triệu hộ chăn nuôi ở nước ta lâm cảnh lao đao. Bởi giá đầu vào sản xuất tăng và neo cao, còn sản phẩm đầu ra bấp bênh, phải bán dưới giá thành.

Đề cập đến ngành chăn nuôi tại cuộc họp liên ngành nông nghiệp và công an đầu tháng 5, Thứ trưởng Bộ NN-PTT Phùng Đức Tiến bày tỏ: “Tôi rất buồn, rất xót xa khi thấy có không ít doanh nghiệp phải cho bay cả xe máy, ô tô đến sổ đỏ”.




Giá sản phẩm chăn nuôi bấp bên khiến người dân thua lỗ nặng. Ảnh: Nguyên Phương

Trước đó, ông thông tin, ở nước ta, một năm giết mổ khoảng 49-51 triệu con lợn, khoảng 2 tỷ con gia cầm, trứng khoảng 18 tỷ quả… Quy mô phát triển ngành chăn nuôi vô cùng quan trọng khi có tới 6 triệu hộ nông dân gắn bó với lĩnh vực này. Tuy nhiên, ông cũng chỉ rõ thực trạng mấy năm nay chăn nuôi thua lỗ nghiêm trọng, dẫn đến phá sản. 

Thứ trưởng Tiến khẳng định, thị trường có quy luật riêng, không thể điều hành theo kiểu “hành chính hóa”. Song từ thực tế đó, nông dân và doanh nghiệp cần được bảo vệ.

Các cơ quan chức năng, địa phương cần chặn hàng lậu, kiểm soát chặt hàng nhập khẩu. Đồng thời, tập trung cho xuất khẩu trên cơ sở đàm phán thương mại, có đi có lại, theo hướng tích cực. Theo ông, phải tập trung xây dựng vùng an toàn dịch bệnh ở biên giới, phục vụ xuất nhập khẩu. 

Báo cáo Quốc hội về giải pháp phát triển ngành chăn nuôi thời gian tới, Bộ NN-PTNT cho biết sẽ chủ động hơn trong việc cập nhật thông tin, dự báo thị trường trong nước và thế giới để người dân và doanh nghiệp có thể chủ động hơn trong sản xuất kinh doanh TACN. 

Ngoài ra, kết nối các doanh nghiệp với một số địa phương có lợi thế về trồng trọt để xây dựng vùng trồng nguyên liệu TACN; phát triển chăn nuôi theo định hướng thị trường; phát huy thế mạnh của từng vùng, từng vật nuôi chủ lực.

Bộ NN-PTNT nhấn mạnh, sẽ tiếp tục ổn định đàn lợn, phát triển đàn gia cầm, gia súc ăn cỏ… để phục vụ tiêu dùng trong nước và một phần xuất khẩu. Cùng với đó, tăng cường sản xuất theo chuỗi sản phẩm, xây dựng mã định danh cho cơ sở chăn nuôi, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, bảo đảm ATTP, chế biến sâu để nâng cao giá trị.

Ngoài ra, tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm liên quan, nhất là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới. 

Tăng cường các kênh theo dõi sát diễn biến về nguồn cung giống, thực phẩm. Các hộ chăn nuôi tăng cường xây dựng liên kết ngang để tiếp cận vào chuỗi của các doanh nghiệp, chủ động tiêu thụ sản phẩm và cân đối cung cầu. Ngoài những hệ thống phân phối có sẵn sẽ đẩy mạnh tiêu thụ qua các sản thương mại điện tử.

Tâm An

VietNamNet



nguồn vietstock.vn