Tây Ninh công bố vùng an toàn dịch bệnh và 7 dự án trọng điểm
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh và 7 dự án trọng điểm chuỗi tổ hợp khu nông nghiệp công nghệ cao HDN Tây Ninh có thể coi là một mô hình mẫu trong lĩnh vực chăn nuôi.
Ngày 19/05, tại huyện Tân Châu, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã dự Lễ công nhận vùng an toàn dịch bệnh tỉnh Tây Ninh và công bố kế hoạch xuất khẩu sản phẩm gia cầm sang các thị trường Halal.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dự buổi lễ. Ảnh: VGP
|
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) đã trao công nhận vùng an toàn dịch bệnh cho huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.
Theo UBND tỉnh Tây Ninh, trong giai đoạn 2024-2025, Tây Ninh phấn đấu có thêm 2 huyện Tân Biên và Gò Dầu đạt an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam; huyện Dương Minh Châu đạt an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle và huyện Bến Cầu đạt an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam đối với bệnh lở mồm long móng trên bò.
Vùng an toàn dịch bệnh là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất động vật, chế biến các sản phẩm từ động vật an tâm sản xuất, kinh doanh và cũng là nơi được các doanh nghiệp, nhà đầu tư ứng dụng công nghệ cao, có liên kết chuỗi và hướng đến xuất khẩu lựa chọn đầu tư. Tính đến hết năm 2023, tổng đàn gia cầm của tỉnh Tây Ninh khoảng 10 triệu con, sản lượng thịt đạt 62,460 tấn.
Bảy dự án trọng điểm tổ hợp khu nông nghiệp công nghệ cao DHN Tây Ninh gồm: Hệ thống trang trại con giống, trang trại gà thịt xuất khẩu, và nhà máy chế biến thực phẩm. Đây là những dự án quan trọng của chuỗi liên kết De Heus – Hùng Nhơn với tổng mức đầu tư 2,500 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh của 2 tập đoàn De Heus và Hùng Nhơn là dự án áp dụng 100% công nghệ cao theo tiêu chuẩn quốc tế. Dự án còn áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong chăn nuôi.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, chăn nuôi Việt Nam những năm qua đã chuyển đổi cơ cấu nhanh từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi trang trại tập trung, công nghiệp từng bước gắn với giết mổ chế biến tập trung, công nghiệp nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, từng bước đáp ứng được yêu cầu của các thị trường lớn, tiêu chuẩn khắt khe trên thế giới.
Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh và 7 dự án trọng điểm có thể coi là một mô hình mẫu trong lĩnh vực chăn nuôi. Thể hiện nỗ lực và quyết tâm trong quá trình tái cơ cấu, định hình lại ngành chăn nuôi của tỉnh Tây Ninh theo xu hướng phát triển của nông nghiệp bền vững, tích hợp đa giá trị.
Đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ trong việc thúc đẩy nền nông nghiệp chăn nuôi công nghệ cao và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông sản, góp phần từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo chiến lược phát triển nông nghiệp, phát triển chăn nuôi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tại sự kiện, UBND tin Tây Ninh, Hùng Nhơn và Công ty ORVIA Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư phát triển sản phẩm vịt giống, vịt thịt và sản xuất phân bón hữu cơ đạt chuẩn Organic USDA/EU, xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Mục tiêu cung cấp khoảng 4 triệu sản phẩm vịt giống và 18 triệu sản phẩm vịt thịt mỗi năm cho thị trường trong nước và quốc tế; ký kết xuất khẩu sản phẩm gia cầm sang thị trường Halal.