Đau đầu trước mục tiêu mang về 10 tỉ USD từ xuất khẩu thủy sản

Đau đầu trước mục tiêu mang về 10 tỉ USD từ xuất khẩu thủy sản

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, dự kiến trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 4,4 tỷ USD, tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sáng 10-6, tại TP.HCM, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức Hội nghị toàn thể hội viên 2024 để bàn về những khó khăn, thách thức và giải pháp để xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt mục tiêu 10 tỉ USD trong năm nay.

Tại đây, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt gần 3,6 tỷ USD tăng 6% so với cùng kỳ 2023. Các mặt hàng xuất khẩu hầu hết tăng trưởng nhẹ, cho thấy sự phục hồi đang diễn ra.

Dù vậy ngành thủy sản Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như thiếu hụt nguyên liệu cả nuôi trồng lẫn đánh bắt tự nhiên, cùng các quy định pháp luật hiện hành.




Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu tôm số 1 của Việt Nam

VASEP cho biết: trong 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu tôm đạt 1,3 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý tôm hùm là mặt hàng chiếm tỉ trọng xuất khẩu đáng kể, chiếm hơn 8% với giá trị xuất khẩu đạt trên 106 triệu USD, tăng gấp gần 70 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng đột phá của tôm hùm. Ngoài ra, xuất khẩu tôm sắt, tôm càng, tôm tít, tôm vằn đều có xu hướng tăng tích cực trong thời gian qua.Đối với thị trường xuất khẩu, hiện nay Trung Quốc đã soán ngôi vị của Mỹ, trở thành thị trường nhập khẩu tôm số 1 của Việt Nam, chiếm 20% tỉ trọng.




Ông Đỗ Ngọc Tài, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần chế biến thủy sản Tài Kim Anh, Chủ tịch Ủy ban Tôm VASEP cho biết, sự tăng trưởng này chủ yếu nhờ vào việc Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu tôm hùm xanh (gấp 112 lần) và tôm chân trắng (+30%).

Dù vậy, ông Tài cho rằng, những tháng tiếp theo đến cuối năm, xuất khẩu tôm Việt Nam vào Trung Quốc có thể không tăng. Nguyên nhân là do một số nước như Ecuador, Ấn Độ và Indonesia sẽ tập trung xuất khẩu vào thị trường này, do Mỹ áp thuế cao, vì thế tôm của Việt Nam xuất vào Trung Quốc sẽ gặp rất nhiều khó khăn về giá, đặc biệt là tôm sú nguyên con, thẻ nguyên con.




Quang cảnh hội nghị toàn thể hội viên do VASEP tổ chức. Ảnh: NHẬT DIỄM

Quang cảnh hội nghị toàn thể hội viên do VASEP tổ chức. Ảnh: NHẬT DIỄM

Nhiều thách thức chắn đường đi ngành thủy sản

Theo đó, biến đổi khí hậu như nắng nóng kéo dài, hạn mặn đã ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng nuôi trồng thủy sản. Nguồn hải sản khai thác cũng gặp khó khăn khi tài nguyên ngày càng cạn kiệt, sản lượng khai thác không đủ đáp ứng nhu cầu, nên phải thêm nguồn cung từ nhập khẩu.

Hoạt động xuất khẩu cũng vô số thách thức. Đơn cử với ngành tôm, việc ứng phó với thuế chống trợ cấp và thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ vẫn là vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu, chịu áp lực.

“Hiện nay, Bộ Thương mại Hoa Kỳ chưa có kết luận cuối cùng nhưng với các kết luận sơ bộ áp mức thuế chống trợ cấp 2,84% và thuế chống bán phá giá 196,41%. Theo đó đã ít nhiều ảnh hưởng đến sự lựa chọn của các nhà nhập khẩu tại thị trường này đối với tôm sản xuất từ Việt Nam”- ông Hòe nói.

Với ngành cá tra, giá xuất khẩu ở mức thấp đang là vấn đề nan giải của doanh nghiệp xuất khẩu, chưa kể các thị trường truyền thống như EU đang có dấu hiệu tiêu thụ chậm lại. Thị trường khác như Trung Quốc, nơi các doanh nghiệp đang tập trung khai thác cũng gặp nhiều bất ổn khi giá bán liên tục giảm.

Một khó khăn khác được ông Hòe nhấn mạnh là vấn đề thẻ vàng IUU. Đây là gánh nặng gây áp lực đến nhiều doanh nghiệp ngành hải sản.

Cũng theo ông Hòe, vốn dĩ doanh nghiệp đã rất khó khăn về thiếu nguồn nguyên liệu, nay lại càng kẹt trong nút cổ chai. Khi mà các văn bản pháp quy của cơ quan quản lý ngày càng siết chặt kiểm soát đối với nguyên liệu thủy sản khai thác trong nước cũng như nguyên liệu nhập khẩu.

Bên cạnh đó, hiện Nghị định số 37/2024/NĐ-CP (hướng dẫn triển khai Luật Thủy sản) và Nghị định 38/2024/NĐ-CP (về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản) cùng lúc có hiệu lực. Nhiều quy định mới mang tính ràng buộc và khó thực thi khiến doanh nghiệp hoang mang, lo ngại, giảm tần suất khai thác hải sản.

Chưa kể các khó khăn khác như giá cước vận tải tăng cao, xung đột thương mại giữa các nước cũng khiến dòng chảy thương mại thủy sản bị xáo trộn.

Dù vậy, VASEP vẫn kỳ vọng, bằng sự linh hoạt của DN trong tìm kiếm thị trường và nỗ lực xúc tiến thương mại, tình hình xuất khẩu sẽ tăng trưởng trở lại, nhất là những tháng cuối năm.

Theo đó, VESEP kỳ vọng xuất khẩu thủy hải sản nửa đầu năm 2024 sẽ đạt 4,4 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023, và hướng tới mục tiêu 10 tỉ USD trong năm 2024.

Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Để đạt được mục tiêu này, theo ông Hòe, các doanh nghiệp cần tăng sức cạnh tranh cho thủy sản bằng việc tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Các giải pháp về truy xuất nguồn gốc, hướng tới phát triển bền vững từ giống, nuôi trồng, tới chế biến và xuất khẩu và cả nguồn lao động.

Các doanh nghiệp cũng cần chú trọng tới việc phát triển các nguồn nuôi có chứng nhận bền vững. Hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, sản xuất xanh, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo.

Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp thay đổi tư duy sản xuất và kinh doanh, hoàn thành mục tiêu xuất khẩu đạt 12 tỷ USD vào năm 2030.

“Về phía Hiệp hội chúng tôi cũng nỗ lực tham mưu phản biện chính sách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong ngành, nhất là gỡ thẻ vàng IUU. Đồng thời đẩy mạnh tăng trưởng của các ngành hàng tiềm năng thông qua hoạt động của các câu Lạc bộ, các hoạt động marketing xây dựng thương hiệu cho thủy sản Việt Nam…”- Ông Hòe nêu.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Phùng Đức Tiến cũng nhìn nhận, ngành thủy sản cần phát huy hơn nữa thế mạnh chế biến sâu, mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng cường sự hiện diện của thương hiệu.




Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến. ẢNH: NHẬT DIỄM

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến. Ảnh: NHẬT DIỄM

Cũng theo Thứ trưởng, hiện nay cơ quan ban ngành đang nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU, đồng thời tăng nguồn vốn tín dụng đối với ngành thủy sản.

Theo đó, thời gian qua, các doanh nghiệp ngành thủy sản nói chung và hội viên VASEP nói riêng đã thúc đẩy khá mạnh việc tiếp cận các khoản vay ưu đãi lãi suất từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng dành cho các ngành lâm sản, thủy sản. Thứ trưởng, thông tin trong kỳ họp trước, các đơn vị báo cáo là đã được giải ngân khoảng 17.000 tỉ đồng. Đến nay có thể đạt khoảng 20.000 tỉ đồng.




TP.HCM sắp có trung tâm thủy sản

Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thủy sản TP.HCM do Ban quản lý trung tâm thủy sản TP.HCM (thuộc Sở NN-PTNT TP.HCM) làm chủ đầu tư, sẽ nằm tại huyện Cần Giờ với tổng quy mô lên tới gần 100 ha.

Dự án được chia làm 2 phân khu: Phân khu Cảng- cá (quy mô 20ha) và phân khu chế biến thủy sản và cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá (quy mô 80ha).

THU HÀ NHẬT DIỄM

Pháp luật TPHCM



nguồn vietstock.vn