Phát hiện các hộ kinh doanh mua bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, cơ quan chức năng địa phương sẽ xử lý mạnh tay, không có ngoại lệ.
Ngày 22-6, Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang cho biết UBND tỉnh Kiên Giang vừa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh M. (ở huyện Hòn Đất) và Công ty C.Đ.V. về hành vi bán hàng hóa có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Trước đó ngày 7-5, đơn vị kiểm tra hộ kinh doanh M. và lấy mẫu phân bón NPK đang bán gửi cơ quan chuyên môn thử nghiệm chất lượng. Kết quả là 150 bao phân bón NPK (với giá trị hơn 100 triệu đồng) của hộ kinh doanh M. không đạt chất lượng.
Đơn vị chuyển hồ sơ về cục trình UBND tỉnh Kiên Giang xử phạt hành chính với số tiền hơn 125 triệu đồng.
Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang sau đó xác minh, làm việc với Công ty C.Đ.V. (đơn vị bán lô phân bón cho hộ kinh doanh M.). Qua đó, đơn vị lập biên bản vi phạm hành chính đối với công ty này về hành vi bán hàng hóa có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Đơn vị trình cấp có thẩm quyền xử phạt hành chính công ty trên số tiền hơn 254 triệu đồng.
Ông Nguyễn Quốc Thơ – phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang – thông tin trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đơn vị phát hiện nhiều hộ kinh doanh ở địa phương vi phạm về việc bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng theo tiêu chuẩn công bố.
“Đơn vị ghi nhận được nhiều chủng loại phân bón kém chất lượng bán trên thị trường như: phân NPK, phân lân, phân hữu cơ và vô cơ… gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của nông dân.
Các loại phân bón kém chất lượng này được các hộ kinh doanh bán ra thị trường cũng không chênh lệch giá. Cơ sở sản xuất phân bón kém chất lượng đó, đơn vị thấy thường ở Long An, TP.HCM…”, ông Thơ nói.
Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang cho biết 6 tháng đầu năm 2024, đơn vị đã kiểm tra 83 vụ phân bón và phát hiện 27 vụ vi phạm, xử lý 26 vụ buôn bán phân bón có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; phân bón giả không có giá trị sử dụng với tổng số tiền phạt hơn 1,4 tỉ đồng.
Thuốc bảo vệ thực vật thì đơn vị kiểm tra 33 vụ và phát hiện 16 vụ vi phạm, xử lý 18 vụ vi phạm nhãn hiệu hàng hóa có hình ảnh, chữ viết không đúng bản chất, không đúng sự thật về nhãn hàng hóa đó với tổng số tiền phạt 475 triệu đồng.
Nguồn tuổi trẻ