Anh, Brazil bất ngờ chi đậm nhập khẩu cá tra Việt Nam
Trong tháng 5, xuất khẩu cá tra đạt mức cao nhất trong 2 năm qua và tiếp tục duy trì đà tăng ấn tượng trong tháng 6. Nhiều thị trường cũng tăng đột biến nhập khẩu cá tra từ Việt Nam. Anh nhập khẩu gần 2.000 tấn cá tra, cao nhất trong vòng 5 năm qua; Brazil nhập khẩu hơn 2.000 tấn cá tra, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), trong tháng 6, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt 875 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ đầu năm tới nay. Đóng góp cho sự tăng trưởng của ngành, xuất khẩu các mặt hàng chủ lực đều có tăng trưởng cao, trong đó cá tra tăng 22%, cá ngừ tăng 40%, cua ghẹ tăng 59%.
VASEP cho biết, hiện nhu cầu cá tra ở các thị trường đang dần hồi phục. Hàng loạt thị trường tăng đột biến nhập khẩu cá tra Việt Nam. Điển hình, trong tháng 5, xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt mức cao nhất trong 2 năm qua và trong tháng 6 tiếp tục duy trì đà tăng ấn tượng.
Theo đó, trong tháng 5, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) đạt hơn 29.000 tấn, đây là mức cao nhất kể từ tháng 2 năm ngoái. Khối lượng xuất khẩu cá tra từ Việt Nam sang thị trường ASEAN đạt gần 9.000 tấn, đây là mức cao nhất thị trường này nhập khẩu kể từ tháng 11 năm ngoái.
Thị trường Anh nhập khẩu gần 2.000 tấn cá tra (tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái) – con số cao nhất trong vòng 5 năm qua. Thị trường Brazil nhập khẩu hơn 2.000 tấn cá tra, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, khối lượng xuất khẩu cá tra sang Mỹ tính đến 15/6 đạt 146 triệu USD, tăng 18%.
Sau thời gian dài ảm đạm, xuất khẩu cá tra đang có tín hiệu hồi phục rõ nét.
|
Ngoài ra, nhờ tận dụng tốt Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nửa đầu tháng 6, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sang khối thị trường này đạt 12 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến ngày 15/6, xuất khẩu cá tra sang khối thị trường CPTPP đạt 114 triệu USD, tăng 10%. Trong đó, Mexico chi tới 31 triệu USD nhập cá tra Việt Nam, tăng 7%; Nhật Bản đạt 18 triệu USD, tăng 35%; Canada 18 triệu USD, tăng 15%…
Theo VASEP, từ nay đến cuối năm, xuất khẩu cá tra sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu cao từ các thị trường chính như Trung Quốc và ASEAN. Tuy nhiên, giá cá tra có thể vẫn sẽ ở mức thấp, do áp lực cạnh tranh và chi phí đầu vào cao. Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa thị trường và tìm kiếm các giải pháp để giảm chi phí sản xuất.
Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố kết quả cuối cùng cho đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 19 (POR19) đối với mặt hàng cá tra phi-lê đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này.
Theo đó, có 6 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam được hưởng mức thuế chống bán phá giá thấp. Cụ thể, có 1 công ty được áp thuế bằng 0 và 5 doanh nghiệp còn lại được áp mức thuế 0,18 USD/kg.
Mức thuế chống bán phá giá chung mà DOC áp cho doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam trong đợt rà soát này là 2,39 USD/kg.
Theo VASEP, so với kết quả rà soát sơ bộ, mức thuế cuối cùng cao hơn chút ít. Tuy nhiên, nhìn chung, mức thuế lần này của DOC đưa ra đã giảm đáng kể so với mức thuế của lần rà soát trước (kỳ thứ 18). Đây là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong thời gian tới.
Dương Hưng