Các quỹ đầu cơ đánh cược vào sự sụt giảm của thị trường hàng hóa toàn cầu
Thị trường hàng hóa toàn cầu đang chứng kiến làn sóng bi quan chưa từng có trong hơn một thập kỷ qua. Các quỹ đầu cơ đang đặt cược mạnh mẽ vào sự sụt giảm của mọi loại hàng hóa, từ dầu thô đến kim loại và ngũ cốc.
Theo số liệu từ Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Mỹ (CFTC), các nhà quản lý quỹ đã tích lũy vị thế ròng bán khống gần 153,000 hợp đồng tương lai và quyền chọn trên 20 thị trường nguyên liệu thô trong tuần vừa qua. Đây là mức cao nhất kể từ khi Bloomberg bắt đầu theo dõi dữ liệu vào năm 2011, phản ánh một bức tranh ảm đạm chưa từng thấy về triển vọng của thị trường hàng hóa.
Sự thay đổi này đánh dấu một bước ngoặt lớn so với tâm lý hưng phấn trong thời kỳ đại dịch. Khi đó, những gián đoạn trong chuỗi cung ứng và kỳ vọng về một “siêu chu kỳ hàng hóa” đã thúc đẩy các nhà đầu cơ đổ xô vào thị trường với niềm tin lạc quan cao độ vào năm 2021.
Tuy nhiên, giờ thì mọi thứ hoàn toàn đảo ngược. Sự suy giảm kinh tế ở Trung Quốc – động lực tăng trưởng nhu cầu lớn nhất trong hai thập kỷ qua – cộng với sự phục hồi sản xuất đã làm suy giảm mạnh mẽ sự hứng thú của nhà đầu tư đối với nguyên liệu thô. Thêm vào đó, những biến động gần đây trên thị trường tài chính, bắt nguồn từ lo ngại về suy thoái ở Mỹ, đã đẩy các nhà đầu tư vào thế phòng thủ, khiến họ chuyển sang đặt cược vào sự sụt giảm giá hàng hóa lần đầu tiên kể từ năm 2016.
Mike McGlone, Chiến lược gia hàng hóa cấp cao tại Bloomberg Intelligence, nhận định: “Các nhà đầu cơ hợp đồng hàng hóa tương lai đang bán khống vì những lý do chính đáng. Nguồn cung năng lượng và nông sản tăng, nhu cầu của Trung Quốc giảm và đồng USD mạnh hơn đang tạo ra những áp lực giảm giá mạnh mẽ. Đây rõ ràng là một thị trường con gấu”.
Chỉ số Hàng hóa Giao ngay Bloomberg, một thước đo quan trọng theo dõi giá hợp đồng tương lai của năng lượng, kim loại và nông sản, đã giảm gần 11% kể từ mức đỉnh của năm 2024 vào tháng 5. Đặc biệt, đầu tuần này, giá dầu thô WTI đã sụt giảm xuống dưới 73 USD/thùng, mức thấp nhất trong 6 tháng qua.
Đáng chú ý là đợt bán tháo này đã lấn át cả những yếu tố thường được coi là hỗ trợ giá như căng thẳng địa chính trị gia tăng ở Trung Đông và sự gián đoạn sản xuất ở Libya, vốn làm giảm nguồn cung khoảng 270,000 thùng mỗi ngày.