Chiều 19-8, hàng chục cán bộ là cựu sinh viên Trường đại học Cần Thơ đã có mặt tại Nhà tang lễ thành phố Cần Thơ để trao đổi việc tổ chức tang lễ giáo sư Võ Tòng Xuân.
Trong số học trò của giáo sư Võ Tòng Xuân có PGS.TS Lê Việt Dũng – nguyên phó hiệu trưởng Trường đại học Cần Thơ. Nói về người thầy đáng kính, ông Dũng nói đóng góp của thầy Xuân cho việc đào tạo nhân lực, cho ngành nông nghiệp tới giờ này chưa ai qua được.
“Năm 1981 – 1982, thầy Xuân đã cho cán bộ, giảng viên của trường đi nước ngoài. Thời điểm đó, đi nước ngoài giống như chuyện trong mơ nhưng thầy đã cho anh em đi rồi. Những người được đưa đi có GS.TS Võ Thị Gương, GS.TS Lê Quang Trí và thầy tạo điều kiện tối đa”, ông Dũng nói.
Ông Dũng cho biết thêm thầy Xuân cũng là người đem dự án quốc tế đầu tiên về vào năm 1978, đó là dự án cải tạo đất phèn.
Sau những chuyến công tác nước ngoài, thầy Xuân đều có những buổi nói chuyện ngoại khóa vào ban đêm với giảng viên và học sinh. Thầy nói ở nước ngoài như thế này, các phòng thí nghiệm của nước ngoài đang như thế này, nông nghiệp họ đang làm ra sao…
“Có một điều ở thầy mà rất nhiều thế hệ học theo là đi đâu thấy cái gì mới thầy sẽ bật ra ý cái này sẽ đem về cho ai. Nhiều lĩnh vực chứ không phải nông nghiệp, thầy thấy cái gì “ở nhà” đang cần là thầy kéo về cho người đó, đơn vị đó, nhóm đó. Kéo về, chuyển giao để phát triển”, ông Dũng nhớ lại.
Ông Dũng cho biết những ngày cuối đời, biết sức khỏe không tốt, thầy nói rất nhiều chuyện với con trai (ông Võ Tòng Anh – PV) về nông dân và nhớ về nông dân, nhớ về nông nghiệp đồng bằng.
Nhớ về những công việc thầy cùng học trò làm như chuyện nhân giống lúa kháng rầy nổi tiếng. Rồi chuyện về nghiên cứu cải tạo đất phèn ở Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười…
Nói về giống lúa kháng rầy của thầy Xuân, PGS.TS Nguyễn Minh Chơn – Viện công nghệ sinh học và thực phẩm Trường đại học Cần Thơ (cựu sinh viên) – cho biết khi gặp thầy Xuân, thầy nói nghiên cứu đó cũng đơn giản, cứ nhân giống lên vậy thôi.
“Nhưng thật sự nó không đơn giản, thời điểm đó ai biết Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế có giống lúa đó. Ai đủ tư cách quan hệ với Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế, rồi ai tổ chức được chuyện nhân giống tưởng như đơn giản mà rất là hay”, PGS.TS Chơn nhớ lại và cho biết sinh viên được huấn luyện tại trường, rồi đưa xuống hỗ trợ nông dân nhân giống từ từ qua được đợt dịch rầy nâu 1977 – 1978…
Nguồn tuổi trẻ